Cư dân nhiều dự án bị cắt nước do không đóng phí dịch vụ
Một số cư dân ở các dự án ở Hà Nội, trong đó có cả tòa nhà cao cấp bị cắt nước sau khi không chịu đóng phí dịch vụ.
Đầu tháng 7, một số cư dân tại chung cư MonCity (Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phản ánh về tình trạng bị cắt nước. Cùng với đó, có ý kiến cho rằng chất lượng dịch vụ tại đây không tương xứng với mức phí mà đơn vị quản lý đang thu của cư dân. Khi bị cắt nước, một số hộ xách nước, mang xô, chậu xuống sảnh để quay clip cảnh gội đầu.
Tuy nhiên, một thành viên của ban đại diện cư dân cho biết chỉ có dưới 10 hộ bị cắt nước, với lý do không chịu đóng phí dịch vụ. Vị này cũng cho biết sau đó vài ngày chủ hộ đã chấp nhận đóng phí và được cấp nước trở lại.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, có dưới 10 hộ bị cắt nước do không nộp phí dịch vụ trong thời gian kéo dài, từ 10 đến 12 tháng. Trước đó, họ cũng nói lý do không nộp phí vì cho rằng mức thu cao so với chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, sau khi đơn vị quản lý giảm phí dịch vụ từ 10.000 đồng mỗi m2, xuống còn 8.000 đồng, một số hộ vẫn không đồng ý nên không chịu nộp phí dịch vụ.
"Với những hộ nếu vì bận bịu, quên không đóng phí thì chúng tôi cũng có thông báo nhắc nhở. Tuy nhiên, các hộ cố tình không đóng thì chúng tôi mới cắt nước. Điều này cũng được quy định trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và cư dân", vị này nói.
Điều 39, Thông tư 02/2016 do Bộ Xây dựng ban hành về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định các nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà chung cư như đóng góp đầy đủ, đúng thời hạn kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư.
Trường hợp chủ sở hữu không đóng kinh phí quản lý vận hành thì bị xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ mà ban quản trị nhà chung cư đã ký với đơn vị quản lý vận hành.
Gần đây, một số cư dân tại chung cư Smile Building (quận Hoàng Mai) cũng bị cắt nước do không đóng phí dịch vụ tòa nhà. Họ cho rằng mức phí 5.000 đồng mỗi m2 một tháng tại đây là quá cao với chất lượng dịch vụ quản lý "chưa tương xứng". Sau nhiều lần đối thoại nhưng không tìm được tiếng nói chung, khoảng chục hộ cư dân không chịu đóng phí dịch vụ và bị chủ đầu tư cắt nước.
Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Trung Yên, chủ đầu tư dự án cho biết, việc doanh nghiệp có quyền cắt nước nếu cư dân không đóng phí dịch vụ đã được quy định trong điều khoản hợp đồng mua bán. Doanh nghiệp cho biết, trước khi cắt nước, thông qua ban quản lý, trong một tháng, chủ đầu tư gửi thông báo 3 lần bằng văn bản hoặc qua phường về việc cắt nước nếu cư dân tiếp tục không nộp tiền.
Trước đó, tại một số chung cư cũng xảy ra tình trạng tương tự. Tại Hà Nội, chung cư Imperia Garden (Thanh Xuân), còn ở TP HCM, chung cư 584 (quận Tân Phú), Hoàng Anh Gia Lai 2 (quận 7)... cũng có một số hộ dân bị cắt điện nhiều lần do nợ phí dịch vụ quản lý.
Theo ông Phùng Viết Vĩnh, Đoàn luật sư TP Hà Nội, quy định về mức phí quản lý nhà chung cư là quan hệ dân sự giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ. Các điều khoản thực hiện sẽ được quy định trong hợp đồng ký kết giữa hai bên đơn vị quản lý và cư dân. Trong trường hợp dự án chưa có ban quản trị mà trong hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư, đơn vị quản lý với cư dân có chế tài đối với việc không nộp phí dịch vụ thì chủ đầu tư được phép áp dụng, bao gồm cả việc cắt nước.
Trường hợp dự án đã có ban quản trị thì hội nghị nhà chung cư cần xây dựng, thống nhất và công bố quy chế, trong đó nêu chế tài đối với việc không đóng phí dịch vụ.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, mô hình nhà chung cư tại các thành phố lớn của Việt Nam đã phát triển được hàng chục năm nay. Tuy nhiên, việc xây dựng cũng như phổ biến, tuyên truyền văn hóa chung cư còn chưa được triển khai thường xuyên. Trong khi đó, theo ông, những vấn đề thuộc về quy tắc trong chung cư rất khác với khi sống ở nhà thổ cư. Một số cư dân quen sống ở nhà mặt đất chưa chấp thuận những khoản phí mà chỉ có khi ở nhà chung cư, dẫn đến những xung đột dai dẳng giữa cư dân với chủ đầu tư, đơn vị quản lý hoặc thậm chí giữa chính các cư dân với nhau.
Bởi vậy, theo ông Võ, bên cạnh việc xây dựng những quy định, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương... cũng nên thúc đẩy hoạt động tuyên truyền, xây dựng văn hóa chung cư nhằm hạn chế những tranh chấp kéo dài và không đáng có.
Có lẽ bạn nên đọc thêm
Nhà đầu tư đã chấp nhận xuống tiền mua bất động sản, chu kỳ tăng trưởng mới bắt đầu?
Theo TS Nguyễn Văn Đính, các sản phẩm bất động sản trên 5 tỷ đồng, có mức giá đi ngang một thời gian sau giai đoạn cắt lỗ sâu vào đầu năm nay đã được nhà đầu tư "chấp nhận" xuống tiềnThị trường bất động sản đã thoát 'đáy'?
Thị trường bất động sản (BĐS) những tháng cuối năm dù có những tín hiệu tốt nhưng vẫn còn nhiều dự án chưa gỡ vướng được về pháp lý, giao dịch hạn chế.Thị trường bất động sản sắp đón nhận nhiều tin vui mới?
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản thì nhiều quy hoạch quan trọng cũng đang được thẩm định, sắp phê duyệt.Nhà đầu tư có chờ “điểm trũng” tháng cô hồn để xuống tiền?
Cận kề tháng 7 âm lịch (còn gọi là tháng cô hồn), thị trường bất động sản liệu diễn biến “đảo chiều” khi tâm lý săn hàng thời điểm này có thể bật tăng?.
BÌNH LUẬN