Dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn: Chung cư Hà Nội ngừng gom rác
Sau khi người dân huyện Sóc Sơn tập trung chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn, nhiều chung cư ở Hà Nội đã thông báo ngừng thu gom rác vô thời hạn.
Từ chiều 1/7, nhiều người dân tại xã Hồng Kỳ và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bắt đầu chặn lối vào Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn. Người dân căng lều bạt ở hai bên đường, ngăn không cho xe chở rác từ nội thành đi vào.
Hoạt động này diễn ra suốt đêm, người dân thay nhau các ca trực. Đến 15h ngày 2/7, số người kéo ra các điểm tập trung ngày càng đông.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Bí thư thôn 2 (xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn), cho biết nguyên nhân là chính quyền chậm trả tiền đền bù cho những hộ nằm trong vùng ảnh hưởng của bãi rác khiến họ bức xúc. “Bãi rác ngày càng phình to, đợt vừa rồi nắng nóng bốc mùi kinh khủng, không ai chịu được. Người dân chúng tôi đã chờ rất lâu để được di dời khỏi đây mà không thấy có phương án gì”, ông Kỳ nói trong bức xúc.
Việc người dân gần bãi rác Nam Sơn bức xúc vì chậm được đền bù di dời đã tập trung chặn xe chở rác vào bãi từ ngày 1/7 tiếp tục được đẩy lên khá căng thẳng khi nhiều nhà chung cư ở nội thành Hà Nội thông báo ngừng thu gom rác thải sinh hoạt.
“Tạm ngừng phục vụ thu gom rác tại các tầng kể từ 12 giờ ngày 3/7 cho đến khi có kế hoạch thu gom rác trở lại. Đề nghị cư dân thu gom rác bỏ vào túi ni lon buộc kín, tránh phát tán mùi hôi, thối trong thời gian chưa được thu gom, xử lý và vận chuyển để tại phòng thu gom rác các tòa nhà”, thông báo tại khu chung cư VOV ở quận Nam Từ Liêm viết.
Chị Nguyễn Thu Hạnh, 34 tuổi, cư dân chung cư VOV cho hay, ban đầu thấy báo chí đưa tin người dân gần bãi rác Nam Sơn chặn xe chở rác cũng chỉ đọc để biết. Nhưng từ tối 3.7, khi có thông báo ngừng thu gom, rác thải sinh hoạt được các hộ bọc trong túi kín, để tại phòng rác bốc mùi rất khó chịu.
“Sao TP.Hà Nội hứa sẽ hoàn thành đền bù, di dời cho người dân gần bãi rác Nam Sơn vào cuối 2018 nhưng lại thất hứa để họ bức xúc chặn xe chở rác. Mỗi ngày, TP.Hà Nội phát sinh hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt, dân họ cứ chặn vậy, chúng tôi sống chung với rác mãi sao được. Lãnh đạo TP.Hà Nội thất hứa nhưng hậu quả, cư dân chúng tôi đang phải gánh chịu”, chị Hạnh bức xúc.
Trước tình hình đó, đến chiều 2/7, Trung tâm Phát triển quỹ đất Sóc Sơn đã bắt đầu chi trả và đền bù phần đất ruộng cho một số thôn tại xã Nam Sơn. Tuy nhiên, điều này chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.
"Nếu chỉ đền bù cho chúng tôi phần đất ruộng thì chưa thỏa đáng. Vì phần đất ở, sinh hoạt hàng ngày mới là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất", ông Nguyễn Văn Kỳ đưa ý kiến.
Trong khi đó, Công ty Môi trường đô thị URENCO đã có báo cáo lên UBND Hà Nội về tình trạng xe rác không thể di chuyển vào bãi xử lý. Trước nỗi lo rác thải ùn ứ tại nội đô, đại diện URENCO cho biết hiện tại, đơn vị vẫn đảm bảo vệ sinh trong khu vực 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình). Số rác không thể đưa về bãi rác Nam Sơn sẽ được gom tại các xe rác, điểm trung chuyển hoặc bãi tập kết chờ xử lý.
"Tuy nhiên, nếu người dân tiếp tục chặn xe rác trong nhiều ngày tới, nguy cơ rác thải ùn ứ tại nội thành là rất cao. Chúng tôi đang huy động tối đa nhân sự để đảm bảo vệ sinh tại các quận", đại diện URENCO cho biết.
Trước đó, ngày 20/4, Trung tâm Phát triển Quỹ đất Sóc Sơn cho biết đã hoàn thiện phương án đền bù, giải phóng mặt bằng cho hơn 1.000 hộ dân khu vực ảnh hưởng bởi bãi rác Nam Sơn và đang trình lên UBND Hà Nội phê duyệt. Kinh phí dự kiến dành cho việc đền bù là 3.400 tỷ đồng lấy từ Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội.
Tuy nhiên sau hơn 2 tháng, các hộ dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù, cũng như được di dời ra khỏi vùng ảnh hưởng bởi bãi rác. Nhiều người cho biết sẽ tiếp tục chặn xe đến khi nhận được phương án chính thức từ thành phố.
Đến nay, người dân Nam Sơn đã nhiều lần chặn đường, không cho xe rác vào khu xử lý. Gần đây nhất, tháng 1/2019, họ chặn xe trong nhiều ngày khiến các quận nội thành Hà Nội ùn ứ rác thải.
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó giám đốc Ban Duy tu thuộc Sở Xây dựng TP.Hà Nội cho biết, đã có văn bản phân luồng và lưu giữ rác tạm thời của các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, rác thải sinh hoạt tại 4 quận nội thành là Ba Đình (300 tấn/ngày đêm), Hoàn Kiếm (215 tấn/ngày đêm), Hai Bà Trưng (350 tấn/ngày đêm), Đống Đa (430 tấn/ngày đêm) sẽ căn cứ vào tình hình, tập kết tại các điểm trung chuyển ở Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Lâm Du (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội).
- Rác thải sinh hoạt phát sinh ở quận Long Biên (313 tấn/ngày đêm) sẽ tập kết tạm thời ở Khu xử lý rác Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm).
- Rác thải sinh hoạt phát sinh ở quận Thanh Xuân (455 tấn/ngày đêm), huyện Hoài Đức (165 tấn/ngày đêm) sẽ xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội của HTX Thành Công.
- Rác thải sinh hoạt tại các quận Hà Đông (455 tấn/ngày đêm), Nam Từ Liêm (265 tấn/ngày đêm), Bắc Từ Liêm (250 tấn/ngày đêm), Tây Hồ (197 tấn/ngày đêm), Hoàng Mai (453 tấn/ngày đêm), Cầu Giấy (320 tấn/ngày đêm) sẽ chở đến xử lý chôn lấp tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội.
- Rác thải sinh hoạt của huyện Thanh Trì (210 tấn/ngày đêm), Gia Lâm (186 tấn/ngày đêm), Đông Anh (178 tấn/ngày đêm), Sóc Sơn (159 tấn/ngày đêm), Mê Linh (115 tấn/ngày đêm) sẽ lưu giữ tại các điểm tập kết rác của mỗi địa phương.
Theo ông Cường, việc vận chuyển, phân luồng rác thải sinh hoạt tại các quận, huyện nêu trên sẽ thực hiện từ ngày 2/7 đến khi nào có thông báo mới, tức là hiện Chính quyền chưa xác định được thời hạn bãi rác Nam Sơn hoạt động trở lại.
Có lẽ bạn nên đọc thêm
Nhà đầu tư đã chấp nhận xuống tiền mua bất động sản, chu kỳ tăng trưởng mới bắt đầu?
Theo TS Nguyễn Văn Đính, các sản phẩm bất động sản trên 5 tỷ đồng, có mức giá đi ngang một thời gian sau giai đoạn cắt lỗ sâu vào đầu năm nay đã được nhà đầu tư "chấp nhận" xuống tiềnThị trường bất động sản đã thoát 'đáy'?
Thị trường bất động sản (BĐS) những tháng cuối năm dù có những tín hiệu tốt nhưng vẫn còn nhiều dự án chưa gỡ vướng được về pháp lý, giao dịch hạn chế.Thị trường bất động sản sắp đón nhận nhiều tin vui mới?
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản thì nhiều quy hoạch quan trọng cũng đang được thẩm định, sắp phê duyệt.Nhà đầu tư có chờ “điểm trũng” tháng cô hồn để xuống tiền?
Cận kề tháng 7 âm lịch (còn gọi là tháng cô hồn), thị trường bất động sản liệu diễn biến “đảo chiều” khi tâm lý săn hàng thời điểm này có thể bật tăng?.
BÌNH LUẬN