Bất ngờ bị thu hồi sổ đỏ, dân ‘chung cư ông Thản’ khóc dở mếu dở
Dù đã được cấp sổ đỏ nhưng mới đây không ít người dân sống ở chung cư Bemes (CT6) P. Kiến Hưng, Q.Hà Đông, Hà Nội bất ngờ khi bị thu hồi sổ đỏ mà Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã cấp.
Bất ngờ bị thu hồi sổ đỏ
Vừa qua, vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương Thuý (tầng 4, CT6A Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes do Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes làm chủ đầu tư có ý định vay tiền ngân hàng nên vợ chồng chị đã gửi hồ sơ đề nghị đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội (Sở TN&MT).
Tuy nhiên, mới đây, Văn phòng đăng ký đất đai có thông báo cho biết, tháng 1/2019 Sở TN&MT đã có quyết định về việc thu hồi và huỷ giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) mà sở này đã cấp cho căn hộ trước đó. Do vậy, việc thực hiện đăng ký thế chấp tại ngân hàng là không đủ điều kiện giải quyết.
Nhiều người dân sống tại chung cư Bemes (CT6 Kiến Hưng, Hà Đông) chưa được cấp sổ đỏ hoặc bị thu hồi sổ đỏ do chủ đầu tư vi phạm xây dựng (Ảnh: HK).
Tại thông báo này, Văn phòng đăng ký đất đai cũng cho hay sẽ lưu trữ toàn bộ hồ sơ cấp sổ đỏ căn hộ và sẽ thực hiện cấp ngay sổ đỏ sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý chấp thuận đối với các tầng vượt so với quy hoạch, các tầng tự ý chuyển đổi công năng (tầng 2,3,4) và phần cầu nối giữa toà CT6A, CT6B.
Được biết, theo thiết kế, tầng 2, 3, 4 được sử dụng làm không gian dịch vụ trung tâm thương mại. Tuy nhiên, tầng 4 vẫn được xây dựng thành dạng nhà ở với 22 căn hộ và bán cho người dân từ năm 2013. Trước đó, các hộ dân này cũng đã được cấp sổ đỏ như các hộ dân ở tầng khác.
Nhiều hộ dân tại tầng 4, tòa CT6B chung cư Bemes, cũng nhận được thông báo tương tự khi mang giấy tờ đi công chứng quyền sở hữu nhà ở và tài sản.
Người dân cho biết rất bất ngờ trước quyết định thu hồi này này. Khi mua căn hộ tại đây người dân không biết tầng 4 đổ xuống là khu thương mại không dành cho nhà ở.
“Hiện tại người dân muốn giao dịch mua bán, chuyển đổi đều rất khó khăn giờ chúng tôi không có gì chứng minh mình là chủ nhân của ngôi nhà này” – một cư dân tầng 4, toà CT6A cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc cấp sổ đỏ rồi lại thu hồi sổ đỏ của người dân trong trường hợp trên cho thấy sự lúng túng, thiếu nhất quán của Sở TN&MT Hà Nội trong việc đánh giá nhìn nhận cũng như là khắc phục giải quyết hiện tượng bất cập này.
“Lẽ ra những sai phạm cần phải được xử lý ngay trong quá trình thực hiện dự án nhưng ở đây có sự làm ngơ để vi phạm xảy ra thậm chí là xảy ra trong thời gian dài sau đó mới đặt ra cái vấn đề giải quyết lại sai phạm đó, gây khó khăn cho người dân. Về lâu về dài, chúng ta không còn cách nào khác đó là buộc phải điều chỉnh lại quy hoạch tại khu vực này để hợp thức hóa việc cấp sổ đỏ cho người dân” – luật sư Tú nói.
Cũng theo vị Chủ tịch Công ty TAT Law firm đây là một bài học cảnh tỉnh trong công tác quản lý đô thị quản lý đất đai trên cả nước, hy vọng trong thời gian tới chúng ta không còn phải chứng kiến những sự việc như trên.
Mòn mỏi chờ
Công an TP Hà Nội vừa khởi tố ông Lê Thanh Thản về tội lừa dối khách hàng theo điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015. Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị cáo buộc liên quan sai phạm tại Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes.
Toà CT6C Kiến Hưng xây dựng không có giấy phép (Ảnh: HK).
Theo Quy hoạch thiết kế, dự án chỉ được duyệt 2 tòa chung cư CT6A và CT6B với 970 căn, trong đó có 936 căn hộ chung cư cao tầng, còn lại là thấp tầng và biệt thự liền kề.
Tuy nhiên, thực tế, chủ đầu tư đã xây thêm tòa CT6C, nâng tổng số căn chung cư không phép là 654 và 4 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng. Tất cả đã được bán cho khách hàng và đưa vào sử dụng từ năm 2012 nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Nhiều hộ dân tại đây cho biết, muốn bán căn hộ nhưng rất khó khăn khách trả lỗ 200-300 triệu đồng so với giá mua, chưa kể số tiền hàng trăm triệu đã bỏ vào để làm nội thất nên nhiều hộ vẫn phải ở hoặc để cho thuê với giá 3 – 4,5 triệu đồng mỗi tháng.
Ông Hoàng Minh Tâm, tổ trưởng tổ dân phố chung cư CT6C Kiến Hưng cho biết, gia đình ông mua căn hộ từ năm 2012 với giá 10 triệu đồng mỗi m2 và chuyển về đây ở được 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
"Chúng tôi là cán bộ về hưu mua để ở, nay tuổi cũng đã cao muốn sang tên hoặc bán lại để chia cho con cháu nhưng chưa có sổ đỏ. Có người còn không kịp chờ cuốn sổ đỏ mà đã qua đời trong khi chưa sang tên được cho con", ông Tâm chia sẻ.
Tình trạng xây sai phép dẫn đến việc các căn hộ không được cấp sổ đỏ không chỉ xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng mà ở Khu đô thị HH Linh Đàm cũng tương tự.
Vừa qua, ngày 9/7, phát biểu tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội khóa XV, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết chung cư HH Linh Đàm là một trong những chung cư có số căn hộ vượt quá so với quy hoạch. Từ việc chung cư HH Linh Đàm xây dựng vượt quy hoạch nên nhiều năm qua, các hộ dân ở đây chưa làm được sổ đỏ.
"Hiện nay, người dân ở đây mong mỏi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi thấy đây là vấn đề khó", ông Chung nói. Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát và báo cáo Chinh phủ yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư tiếp tục tăng cường lắp hệ thống PCCC, tải tạo thang máy đảm bảo vận hành.
Có lẽ bạn nên đọc thêm
Nhà đầu tư đã chấp nhận xuống tiền mua bất động sản, chu kỳ tăng trưởng mới bắt đầu?
Theo TS Nguyễn Văn Đính, các sản phẩm bất động sản trên 5 tỷ đồng, có mức giá đi ngang một thời gian sau giai đoạn cắt lỗ sâu vào đầu năm nay đã được nhà đầu tư "chấp nhận" xuống tiềnThị trường bất động sản đã thoát 'đáy'?
Thị trường bất động sản (BĐS) những tháng cuối năm dù có những tín hiệu tốt nhưng vẫn còn nhiều dự án chưa gỡ vướng được về pháp lý, giao dịch hạn chế.Thị trường bất động sản sắp đón nhận nhiều tin vui mới?
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản thì nhiều quy hoạch quan trọng cũng đang được thẩm định, sắp phê duyệt.Nhà đầu tư có chờ “điểm trũng” tháng cô hồn để xuống tiền?
Cận kề tháng 7 âm lịch (còn gọi là tháng cô hồn), thị trường bất động sản liệu diễn biến “đảo chiều” khi tâm lý săn hàng thời điểm này có thể bật tăng?.
BÌNH LUẬN