Đòi nhà bị người khác chiếm dụng, liệu có dễ dàng?
Từ vụ án "xâm phạm chỗ ở của người khác" mà Công an quận 1, TP.HCM đã khởi tố bắt nguồn từ tranh chấp dân sự là nhà ở, có thể thấy việc đòi nhà bị chiếm dụng là không dễ dàng.
Vụ án "xâm phạm chỗ ở của người khác" mà Công an quận 1, TP.HCM đã khởi tố bắt nguồn từ tranh chấp dân sự là nhà ở, cho thấy thực tế có rất nhiều vụ tranh chấp tương tự diễn ra và để đòi lại nhà không phải là điều dễ dàng.
Từ vụ tranh chấp dân sự căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án "xâm phạm chỗ ở của người khác" - Ảnh: Q.Đ.
Trường hợp bị người khác chiếm nhà, hoặc cho thuê nhà rồi chây ì không trả từng xảy ra ở nhiều nơi. Có những vụ thương lượng được bằng cách chủ căn nhà phải trả một khoản tiền cho người thuê nhà hoặc tìm nhà khác cho họ ở, nếu không chỉ còn cách kiện ra tòa để lấy lại nhà. Nhưng để đưa được vụ việc ra tòa thường rất nhiêu khê, mệt mỏi.
Cho mượn nhà, hơn 3 năm mới lấy lại được
Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ câu chuyện đi đòi một căn nhà cho thân chủ cách đây không lâu. Theo đó, bà H. (ngụ quận Gò Vấp) cho người quen mượn nhà ở tạm gần ba năm nhưng sau đó người này không trả nhà, thương lượng không được nên phải đưa nhau ra tòa chờ phán quyết. Mặc dù đã cung cấp được đầy đủ giấy tờ chủ quyền, chứng minh mình có quyền sở hữu của căn nhà, nhưng cũng phải mất hơn hai năm kiện tụng mới có bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật của tòa.
"Lúc đó bà H. được khuyên thuê công ty bảo vệ đến đòi nhà, nhưng do sợ họ làm gì quá tay lại vi phạm pháp luật nên bà H. chấp nhận chờ đợi phán quyết của tòa. Mặc dù bà H. biết nếu thuê công ty bảo vệ sẽ đòi được nhà nhanh hơn" - luật sư Nam kể. Dù bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay lập tức, yêu cầu người đang chiếm nhà trái phép phải trả nhà ngay kèm với đó là số tiền 300 triệu đồng tương đương khoản tiền thuê nhà gần 3 năm, nhưng người này không chấp hành. Lại mất thêm một năm để cơ quan thi hành án thực hiện theo thủ tục thì bà H. mới lấy lại được nhà.
"Tuy lấy lại được nhà nhưng số tiền thuê nhà thì họ không chịu trả cho bà H., đã vậy bà H. còn phải mất một khoản phí yêu cầu thi hành án nữa. Đến lúc lấy nhà xong, trong nhà nhiều hạng mục đã hư hỏng, buộc phải sửa chữa. Bà H. có nói với tôi nếu biết trước như vậy bà đã thuê giang hồ chỉ mất hơn 100 triệu mà lấy lại nhà được ngay, chờ làm đúng thủ tục, đúng pháp luật thì thiệt đơn thiệt kép" - luật sư Nam nói.
Những câu chuyện bị chiếm nhà, cho mượn nhà không trả, cho thuê nhưng không trả tiền nhà, chủ liên lạc không được, đến nhà thì khóa cửa... tương tự trường hợp bà H. không phải là hiếm. Mới đây, bà Phương Mai chia sẻ việc bà cho ông N.Đ.V. thuê căn hộ tại quận 2 với giá 35 triệu đồng/tháng. Thời hạn hợp đồng là một năm, tiền cọc nhà là hai tháng. Thời gian đầu ông V. trả tiền rất đều đặn, nhưng sau đó thì trả chậm rồi không trả nữa. Bà Mai gọi điện thì ông V. không nghe, nhắn tin cũng không trả lời. Khi liên lạc được thì ông V. hẹn lần lữa do đi công tác, do đang bận làm việc với thuế...
Quá hai tháng ông V. không trả tiền nhà, căn cứ vào hợp đồng thuê, bà Mai yêu cầu trả nhà và thanh lý hợp đồng nhưng ông V. vẫn im lặng. Bà Mai đến căn hộ của mình thì gặp một người phụ nữ khác đang sinh sống ở đó, hỏi thì được biết ông V. nhờ người này trông nhà giúp. Nhiệm vụ của người phụ nữ này là không cho ai vào nhà, không nói gì về việc thuê nhà hay quan hệ thế nào với ông V. Không lấy được nhà, bà Mai phải trình ra các loại giấy tờ với ban quản lý chung cư, rồi ra phường trình bày. "Tôi làm đủ cách mà vẫn chưa lấy lại được nhà của mình. Chỉ mong sớm lấy lại được nhà để không phải kiện ra tòa. Mệt mỏi ghê lắm, nhà có mà tiền cho thuê không thu được, lại còn mất công mất việc đi lại đòi. Thật không biết lựa chọn thế nào để mà tránh rủi ro" - bà Mai than vãn.
Cần bảo vệ tài sản của công dân
Hiến pháp quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, nhưng đồng thời cũng bảo vệ quyền tài sản của công dân. Tuy nhiên, với các quy định hiện hành thì quyền được bảo vệ tài sản của công dân còn nhiều điểm bất cập.
Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Phạm Hoài Nam cho rằng pháp luật bảo vệ chỗ ở của công dân là đúng, nhưng cũng cần phải có biện pháp quyết liệt để bảo vệ tài sản của công dân. Cụ thể, trong những trường hợp chiếm giữ nhà trái pháp luật thì cơ quan chức năng sau khi xác minh cần phải có quyết định nhanh chóng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
"Thủ tục tố tụng của Việt Nam quá phức tạp và kéo dài, khiến quyền lợi của công dân bị xâm hại. Trong những trường hợp đã xác định được chính xác chủ sở hữu của tài sản (cụ thể là nhà cửa, đất đai) là ai thì tòa án cần thông qua thủ tục rút gọn để xét xử và sớm bàn giao tài sản cho chủ. Việc kéo dài thủ tục tố tụng càng lâu càng khiến người dân bị thiệt thòi" - ông Nam nói.Thực tế người dân có nhà bị chiếm giữ trái phép mà thưa kiện đến cơ quan chức năng thường ít được hỗ trợ tích cực, nên dễ gây ra cảm xúc tiêu cực và họ thường nghĩ mình sẽ đúng khi "trục xuất" người chiếm hữu ra khỏi nhà, hoặc thuê xã hội đen lấy lại nhà của mình. "Điều này khiến chủ sở hữu nhà dễ rơi vào tình huống vi phạm pháp luật: nhà bị chiếm không lấy lại được, bản thân có thể bị pháp luật xử lý" - ông Nam cảnh báo.
Có thể bạn quan tâm:
Giao dịch BĐS: Coi chừng sập bẫy ‘công chứng vi bằng’
Bạn sẽ chẳng bao giờ bán được nhà trong các trường hợp "éo le" này
Những sai lầm "chết người" người mua nhà lần đầu hay mắc phải
Mặc dù thừa nhận pháp luật cũng còn nhiều bất cập, chưa bảo vệ hết được quyền tài sản của công dân nhưng PGS.TS Đỗ Văn Đại (trưởng khoa luật dân sự Trường đại học Luật TP.HCM) cho rằng mọi quan hệ xã hội đều chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Nếu mọi quan hệ xã hội đều để người dân "tự xử" như thuê xã hội đen đòi nợ hoặc chiếm lại nhà thì xã hội sẽ rất loạn. Bởi vậy, nếu cơ quan tư pháp chậm chạp, kéo dài thời gian tố tụng thì người dân chỉ có cách góp ý để các cơ quan này chấn chỉnh mà làm việc theo đúng quy định của pháp luật, chứ không thể "tự xử". Những người cho thuê nhà hay cho mượn nhà cũng cần cẩn trọng tìm người đàng hoàng, tử tế cho thuê để tránh rắc rối.
Tuy nhiên, ông Đại cũng thừa nhận chẳng biết làm thế nào để xác định được người thuê nhà đàng hoàng hay không khi chỉ thông qua giao tiếp. Vậy nên mỗi người dân cần có một cách để bảo vệ tài sản của mình trước những rắc rối pháp lý mà phải nhờ đến cơ quan chức năng giải quyết.
Có lẽ bạn nên đọc thêm
Người dân có quyền tra cứu mọi thông tin về đất đai hay không?
Đất có thuộc quy hoạch hay đã có sổ đỏ chưa, ai là chủ sở hữu,…? Đây là điều mà nhiều người quan tâm đến khi có dự định mua đất. Vậy người dân có quyền được biết mọi thông tin đất đai hay không?Tháng "cô hồn" hay cơ hội của nhà đầu tư bất động sản trong tháng 7?
Tháng "cô hồn" vẫn luôn là nỗi ám ảnh của những nhà đầu tư bất động sản. Nhưng ngày nay dân bất động sản có còn lo sợ trước tháng "cô hồn" hay mong chờ đến tháng cơ hội?[Hỏi đáp] Hợp đồng thuê nhà viết tay có hiệu lực pháp lý không?
Hợp đồng thuê nhà viết tay liệu có giá trị về mặt pháp lý hay không? Đây là câu hỏi được rất nhiều chủ nhà và khách thuê quan tâm.Có nên mua đất quy hoạch treo hay không?
Quy hoạch treo là vấn đề mà nhiều người quan tâm, đặc biệt là những người đang có ý định mua đất để xây dựng. Vậy có nên mua đất quy hoạch treo hay không? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết bên dưới!
BÌNH LUẬN