TP.HCM: Diện tích nhà tối thiểu để nhập hộ khẩu là bao nhiêu?
Sở Xây dựng đề xuất cần ít nhất 20m2 sàn nhà ở/người mới đủ điều kiện đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu TP.HCM) vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn hay ở nhờ.
Điều đó có nghĩa người muốn nhập hộ khẩu vào TP.HCM phải có diện tích nhà, căn hộ (của mình hoặc người thân…) ít nhất từ 20m2 sàn nhà ở/người trở lên. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mức diện tích nhà đưa ra là quá lớn, không cần thiết.
20m2 sàn nhà ở/người - Liệu có hợp lý?
Năm 2018, Sở Xây dựng TP.HCM đã từng đề xuất quy định diện tích bình quân 20m2 sàn nhà ở/người, áp dụng khi giải quyết đăng ký hộ khẩu thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ (không áp dụng đối với các trường hợp đăng ký tạm trú có thời hạn và các trường hợp đăng ký hộ khẩu thường trú như vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha mẹ, cha mẹ về ở với con…).
Theo quan điểm của Sở Xây dựng, đề xuất trên là cần thiết nhằm đảm bảo các điều kiện về nhập cư, giảm áp lực gia tăng dân số (cơ học) và đảm bảo môi trường sống cho người dân, không gây quá tải các hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của thành phố.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và những người dân đang có mong muốn nhập hộ khẩu thành phố thì con số 20m2 được Sở Xây dựng đưa ra là chưa phù hợp, quá cao so với tình hình thực tế hiện nay.
Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, tính đến 9 tháng năm 2019, diện tích bình quân sàn nhà xây dựng trên địa bàn TP.HCM đã là 20,16m2 sàn/người. Tuy nhiên, nhà ở tập trung chủ yếu trong tay người có thu nhập khá và cao, chứ không phải ở người thu nhập trung bình và thấp.
Theo thông tư của Bộ Xây dựng quy định diện tích phòng trọ tối thiểu để cho công nhân, người lao động thuê là 10m2 sàn/2 người thuê. Như vậy, chuẩn của Sở Xây dựng nâng lên diện tích sàn là 20m2 ở mỗi người là không cần thiết.
"Quan trọng hơn, xu thế hiện nay (đã có nghị quyết của Chính phủ - PV) về việc tiến tới quản lý dân cư bằng mã định danh cá nhân, hộ khẩu không còn cần thiết nữa. Như vậy, TP.HCM vẫn "tính" quy định diện tích bình quân nhà ở để quy định nhập hộ khẩu sẽ không còn hợp thời nữa" - ông Lê Hoàng Châu nói.
Từ những trường hợp thực tế
Nhận xét về diện tích bình quân được đề xuất, chị Lê Thị Thảo (34 tuổi, quê Bình Định): "Không bao giờ nhà tôi dám mơ có hộ khẩu với diện tích lớn vậy". Chị Thảo kể, vợ chồng chị từ Bình Định vào TP.HCM sinh sống. Chồng làm công nhân, chị làm thuê cho cơ sở spa vật lý trị liệu. Thu nhập cả hai vợ chồng được khoảng 10 triệu đồng/tháng nhưng phải nuôi hai con.
Gia đình chị bốn người sống ở căn phòng trọ chưa tới 20m2 tại P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú gần 10 năm nay. Cũng như bao gia đình tạm cư ở TP, gia đình chị Thảo gặp rất nhiều khó khăn khi không có hộ khẩu.
Anh Tùng (ngụ Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, vợ chồng anh từ Nghệ An vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 2009. Hơn 10 năm qua, gia đình bốn người của anh vẫn đang sống tạm trong căn phòng trọ 20m2 được thuê với giá gần 3 triệu đồng/tháng ở Thủ Đức.
Con trai lớn của anh hiện đang chuẩn bị vào lớp 1, con gái nhỏ hiện hiện đang được gửi học ở cơ sở mầm non tư nhân. Với mong muốn có cuộc sống ổn định hơn, con cái được tạo điều kiện học tập tốt nhất, vợ chồng anh đã tính tới việc mua một căn hộ chung cư rồi xin nhập khẩu vào TP.HCM. Cùng với số tiền tích góp và vay mượn từ gia đình, anh Tùng tìm được căn hộ với giá khoảng 1,2 tỉ đồng, diện tích 48m2 ở quận Thủ Đức, khu vực giáp ranh với Bình Dương. Tuy nhiên, với quy định nhập khẩu diện tích tối thiểu 20m2/người thì kế hoạch nhập khẩu thành phố của vợ chồng anh coi như phá sản.
Sự xuất hiện của những căn nhà siêu nhỏ rất phổ biến tại trung tâm thành phố.
“Giá nhà đất hiện nay đã quá cao so với thu nhập phần lớn người dân. Không ít gia đình gần chục người sinh sống trong căn nhà chỉ có 20 – 30m2. Nếu quy định này được áp dụng thì chẳng khác nào đánh đố người dân”, anh Tùng phàn nàn.
Còn với trường hợp của gia đình anh Nguyễn Chí Thiện ba thế hệ với tám người sinh hoạt khá co kéo trong căn nhà cấp 4 diện tích 64m2 ở xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ, TP.HCM). Gia đình anh có "thâm niên" ở trọ tại khu vực đường Tôn Thất Thuyết, P.16, Q.4 hơn 20 năm. Cuối năm 2015, cha mẹ anh mới mua được căn nhà cũ ở xã Bình Khánh và chuyển về đó ở.
Cha mẹ anh cũng làm được hộ khẩu gắn với căn nhà này, rồi lần lượt nhập hộ khẩu cho con, dâu, rể, cháu... "Tính ra gia đình tôi có diện tích bình quân là 8m2 sàn/người, còn mức 20m2 sàn/người là quá cao..." - anh Chí Thiện nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cũng cho hay trước đây đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo về diện tích nhà ở bình quân của Sở Xây dựng và nhận định diện tích 20m2 sàn/người là cao và thiếu khả thi.
Có thể bạn quan tâm:
"Trong khi quy định pháp luật hiện hành cho phép người dân tự do cư trú, Nhà nước tiến tới bỏ quản lý dân cư thông qua hộ khẩu thì cần xem xét lại tính cần thiết quy định diện tích nhà ở bình quân như đề xuất trên" - luật sư Hậu nhận định.
Do đó, người dân là đối tượng chính chịu tác động từ dự thảo này. Quy định diện tích trung bình 20m2/người là quá cao, cần điều chỉnh ở mức thấp hơn phù hợp, có thể khoảng 16m2/người, theo luật sư Hòa.
Theo Điều 3 Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 của Bộ Xây dựng đã quy định tiêu chuẩn tối thiểu của nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua. Theo đó, mỗi phòng trọ có diện tích không nhỏ hơn 10m2, diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2 /người.
Chủ tịch HoREA kiến nghị quy định điều kiện để xét nhập hộ khẩu với diện tích ở tối thiểu bình quân 15m2/người và chỉ áp dụng đối với người nhập cư (tăng cơ học) xin nhập hộ khẩu, và không áp dụng điều kiện 15m2/người đối với các trường hợp xin nhập hộ khẩu do quan hệ hôn nhân, huyết thống, người bảo hộ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Có lẽ bạn nên đọc thêm
Người dân có quyền tra cứu mọi thông tin về đất đai hay không?
Đất có thuộc quy hoạch hay đã có sổ đỏ chưa, ai là chủ sở hữu,…? Đây là điều mà nhiều người quan tâm đến khi có dự định mua đất. Vậy người dân có quyền được biết mọi thông tin đất đai hay không?Tháng "cô hồn" hay cơ hội của nhà đầu tư bất động sản trong tháng 7?
Tháng "cô hồn" vẫn luôn là nỗi ám ảnh của những nhà đầu tư bất động sản. Nhưng ngày nay dân bất động sản có còn lo sợ trước tháng "cô hồn" hay mong chờ đến tháng cơ hội?[Hỏi đáp] Hợp đồng thuê nhà viết tay có hiệu lực pháp lý không?
Hợp đồng thuê nhà viết tay liệu có giá trị về mặt pháp lý hay không? Đây là câu hỏi được rất nhiều chủ nhà và khách thuê quan tâm.Có nên mua đất quy hoạch treo hay không?
Quy hoạch treo là vấn đề mà nhiều người quan tâm, đặc biệt là những người đang có ý định mua đất để xây dựng. Vậy có nên mua đất quy hoạch treo hay không? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết bên dưới!
BÌNH LUẬN