TS. Vũ Thành Tự Anh: Nguyên nhân khiến mô hình đặc khu khó thành công
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường chính sách công và quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam đưa ra 5 nguyên nhân khiến mô hình đặc khu tại Việt Nam khó thành công.
Chỉ còn vài ngày nữa Quốc hội sẽ bấm nút việc thông qua Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu). Theo TS. Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường chính sách công và quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, Việt Nam đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan trong chính sách đặc khu nói riêng và cải cách kinh tế của Việt Nam nói chung. Nếu Việt Nam không có những chính sách đột phá thì sẽ lại “lỗi cũ ta về”, song chính sách đột phá mà triển khai trong môi trường kém minh bạch
TS. Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường chính sách công và quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam
Sự ra đời của đặc khu kinh tế không thể tách rời bối cảnh kinh tế - chính trị của quốc gia. Từ góc độ lịch sử, mô hình đặc khu chỉ thích hợp trong điều kiện cả nước đang đóng kín bưng và cần một “đột phá khẩu” ra thị trường thế giới. Hơn nữa, sự thành công của các đặc khu phụ thuộc vào mức độ tích hợp của chúng trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế cũng như mức độ kết nối của chúng với phần còn lại của nền quản trị và kinh tế quốc gia. Với độ mở thuộc nhóm cao nhất thế giới như hiện nay, mô hình “đột phát khẩu” này không thực sự phù hợp cho Việt Nam. Chìa khóa của cải cách thể chế thành công, vì vậy không phụ thuộc vào ba đặc khu mà nằm ở nỗ lực cải cách toàn diện nền tảng thể chế và chính sách quốc gia.
Cũng theo TS Tự Anh, Dự thảo Luật đặc khu đang gây nhiều tranh cãi nhưng chắc sẽ được thông qua vì trên thực tế “ván đã đóng thuyền”. Tuy nhiên, nếu được triển khai thì khả năng thành công của mô hình đặc khu theo đạo luật này sẽ rất thấp bởi 5 nguyên nhân sau:
Chính sách nằm sau đạo luật này thiếu cơ sở thực tiễn
Một cách chính thống, Luật đặc khu nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối về “xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”. Nếu mục tiêu là “tạo cực tăng trưởng” thì với quy mô và tiềm năng của Phú Quốc, Bắc Vân Phong, và Vân Đồn thì cả ba địa phương này đều không thể tạo ra đột biến lớn đến mức trở thành một cực tăng trưởng của đất nước trong 10-20 năm tới, trừ phi phần còn lại của đất nước dậm chân tại chỗ. Mà nếu phần còn lại của quốc gia quả thực không phát triển thì cũng chẳng có cơ sở để các đặc khu thành công. Nếu mục tiêu là tạo “thể chế vượt trội” để “thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy” thì bài học từ mô hình khu kinh tế mở (bắt đầu với Chu Lai) từ 2003 cho thấy nếu không có sự thay đổi đồng bộ ở phạm vi quốc gia thì những sáng kiến của địa phương chắc chắn sẽ sẽ bị bóp nghẹt bởi một mạng lưới chằng chịt các thể chế và quy định hiện hành vốn hoàn toàn không tương thích với “thể chế vượt trội”.
Hơn nữa, khả năng nhân rộng các “thử nghiệm đổi mới” này sẽ rất thấp, đơn giản là vì khoảng cách giữa những ưu đãi và thể chế của 3 đặc khu vô cùng “vượt trội” với phần còn lại của đất nước. Nếu như sau 15 năm, ngay cả những ưu đãi và thử nghiệm thể chế khiêm tốn hơn nhiều của các khu kinh tế mở vẫn chưa thành hình và tới được phần còn lại của đất nước, thì hy vọng về một sự lan tỏa thể chế và chính sách từ ba đặc khu sẽ chỉ là những ước vọng xa vời.
Chính sách nhằm hút ngành 4.0 nhưng tư duy lại 1.0
Trong khi mục tiêu của cả ba đặc khu đều hướng tới thu hút các ngành công nghệ cao 4.0 thì tư duy chính sách chủ yếu vẫn chỉ là 1.0 – tức là cố thu hút thêm FDI bằng lợi thế so sánh truyền thống cùng những ưu đãi kịch trần và vượt khung, thậm chí không ngần ngại mở casino cho cả người Việt Nam vào chơi. Những ưu đãi quá mức này một mặt tạo nên một “cuộc đua xuống đáy” ngay giữa ba đặc khu của Việt Nam, mặt khác không đảm bảo sự thành công cho các đặc khu vì theo kinh nghiệm thế giới, ưu đãi không đi cùng với chất lượng thể chế, quản trị, điều hành và cơ sở hạ tầng thì cũng trở nên vô nghĩa.
Không đảm bảo đặc khu có tính bền vững về kinh tế và tạo ngoại tác tích cực
Với thiết kế như hiện nay, không có gì đảm bảo các đặc khu sẽ có tính bền vững về kinh tế và giúp tạo ra các ngoại tác tích cực như nâng cấp và chuyển đổi cơ cấu cũng như thúc đẩy cải cách kinh tế trên diện rộng. Nguyên nhân là nền kinh tế Việt Nam đã và sẽ tiếp tục phụ thuộc sâu hơn vào khu vực FDI. Trong khi đó, đang tồn tại một sự đứt gẫy, thậm chí là một vực sâu khoảng cách giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Với thiết kế hiện nay, ba đặc khu này tương đối biệt lập với phần còn lại của nền kinh tế quốc gia.
Vì vậy, khi chúng đi vào hoạt động thì sự phụ thuộc vào FDI cũng như khoảng cách giữa FDI và kinh tế trong nước sẽ còn trở nên sâu sắc hơn. Hệ quả là ngoại lực không những không giúp kích thích mà sẽ còn tiếp tục lấn át nội lực. Điều này đi ngược với kinh nghiệm quốc tế, trong đó chìa khóa thành công nằm ở hệ thống thể chế và chính sách giúp phát huy vai trò của các doanh nghiệp địa phương năng động, đóng vai trò làm cầu nối và chất xúc tác cho đầu tư nước ngoài.
Thiếu nguồn lực, năng lực để triển khai trên thực tế
Đưa ra một khuôn khổ pháp lý cho đặc khu mới chỉ là một bước khởi đầu, việc triển khai mô hình đặc khu trên thực tế chắc chắn sẽ còn lắm gian truân. Bên cạnh nguy cơ bị trói chân trói tay bởi một ma trận thể chế và quy định hiện hành, nguy cơ nhìn thấy trước là chính quyền đặc khu bị thiếu nguồn lực, năng lực và thẩm quyền (cả thẩm quyền theo luật định và thẩm quyền trên thực tế) cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình. Về những phương diện này, ngay cả hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh loay hoay mãi mà vẫn chưa thoát ra được thì liệu ba đặc khu có khắc phục được hay không hoàn toàn là một câu hỏi ngỏ.
Đặc khu ở vị trí xung yếu nhạy cảm
Với vị trí xung yếu và nhạy cảm của mình, liệu Phú Quốc, Bắc Vân Phong và Vân Đồn có phải là những địa điểm thích hợp để thử nghiệm chính sách trong bối cảnh địa kinh tế và địa chính trị hiện nay hay không? Lấy đơn cử Vân Đồn chẳng hạn, một trong những mục tiêu quan trọng của Đặc khu Vân Đồn là thu hút các ngành công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Thử hỏi ở sát biên giới với Trung Quốc thì những công ty công nghệ cao của các cường quốc khoa học và công nghệ ở Châu Á (như Nhật Bản và Hàn Quốc) và phương Tây có sẵn sàng và yên tâm đầu tư hay không?
Có lẽ bạn nên đọc thêm
Chuyên gia: Tiêu chuẩn nào cho đô thị xanh?
Hiện nay, khái niệm “đô thị sinh thái” hay “đô thị xanh” được nhắc đến khá nhiều trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, hiện chưa có bộ nguyên tắc nào làm chuẩn để đánh giá hoặc xếp loại dự án xanh.Liệu hiện tượng "bong bóng" có xảy ra trong thị trường bất động sản 2019?
Hiện tượng "bong bóng" trong thị trường BĐS đem lại nhiều rủi do cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những "cơn sốt ảo" làm lũng đoạn thị trường. Vậy các chuyên gia sẽ nhận định như thế nào?Kịch bản nào cho thị trường căn hộ chung cư năm 2019?
Chung cư là loại hình nhà ở chủ đạo tại các thành phố lớn - nơi tốc độ gia tăng dân số cơ học cao trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Những biến chuyển nội tại của phân khúc căn hộ sẽ ra sao?Sự ồ ạt nguồn cung sẽ tạo áp lực về lợi suất cho thuê căn hộ?
Trong năm 2019,nhiều dự án được xây dựng và sẽ bàn giao cho người mua, trong đó một lượng lớn căn hộ sẽ được đưa ra thị trường cho thuê. Điều này sẽ tạo áp lực đối với lợi suất cho thuê căn hộ.
BÌNH LUẬN