Người dân phải sống trong các chung cư cũ nát đến bao giờ?
Ở cái thời mà công nghệ hiện đại và nền kinh tế đang phát triển từng giờ từng phút như bây giờ, vẫn có nhiều người dân phải chịu cảnh sống trong những khu chung cư xuống cấp, cũ nát, kém an toàn.
Những khu chung cư như thế này đã không còn là điều gì lạ lẫm với nhiều người dân - Nguồn ảnh: Trần Phong
Chung cư Vĩnh Hội (Quận 4, TP.HCM) đã được xây dựng hơn 50 năm, là nơi sinh sống của hàng trăm hộ dân nhưng hiện đang xuống cấp nghiêm trọng và là một trong những chung cư nằm trong danh sách phải di dời khẩn cấp của thành phố. Chung cư được bao quanh bởi một khu chợ quây kín lối ra vào, những mảng tường nứt toác, trần nhà xập xệ,...khiến những hộ dân ở nơi đây luôn phải sống trong sự nơm nớm lo sợ. Trong khi đó, xung quanh khu chung cư cũ nát này lại toàn là những tòa nhà cao tầng khang trang và hiện đại. Một người dân sống tại chung cư cho hay, nếu chính quyền đưa ra biện pháp di dời sang nơi ở mới có cùng diện tích, hoặc bồi thường hợp lí thì hãy chuyển đến những căn hộ ở địa điểm gần hơn, chứ không phải những nơi xa như quận Bình Thạnh.
Một hình ảnh xập xệ của chung cư Vĩnh Hội - Nguồn ảnh: CafeLand
Được biết chung cư Vĩnh Hội không phải trường hợp cần được di dời “khẩn cấp” duy nhất. Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. HCM, trên địa bàn hiện nay có 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, trong đó có đến 15 chung cư cấp D xuống cấp, hư hỏng nặng, nguy hiểm và cần di dời khẩn cấp. Năm 2018, 188 hộ dân tại ba chung cư cấp D và một chung cư cấp C đã được di dời, hai chung cư sau đó cũng được hoàng thành tháo dỡ. Trong năm 2019 thành phố phấn đấu di dời các hộ dân của tám chung cư, tháo dỡ sáu chung cư, khởi công xây dựng mới thay thế bốn chung cư cấp D đồng thời đẩy nhanh tiến độ công tác lựa chọn chủ đầu tư đối với 13 chung cư cấp D.
Hiện nay, Hà Nội và TP. HCM có khoảng gần 2.000 chung cư cũ cần cải tạo, di dời. Những chung cư như thế này đều đã xập xệ, xuống cấp, gây ảnh hưởng đến chất lượng đô thị, bộ mặt kiến trúc và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Đây cũng là một trong những vấn đề được hai thành phố để tâm và cố gắng thúc đẩy nhiều năm qua, tuy nhiên kết quả thu được thì lại không như mong muốn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá về công tác cải tạo chung cư cũ tại cuộc họp với Hà Nội chiều 17/11: “Trước đây, khi đưa ra chủ trương cải tạo chung cư cũ, chúng ta xác định sẽ làm xong trong 5 - 10 năm, nhưng như hiện nay khi giao phó cho doanh nghiệp tự làm thì không bao giờ có thể xong được”. Theo đó, cơ chế chính sách phù hợp vẫn chưa được đưa ra đầy đủ để có thể thực hiện được việc cải tảo lại chung cư, hơn nữa là do người dân không chịu di dời. Ước tính Hà Nội có khoảng 1.000 chung cư cũ nhưng cho tới thời điểm hiện tại mới chỉ cải tạo được 10 chung cư, tức là chỉ 1%.
Ngoài ra còn một vướng mắc khác là các nhà đầu tư không mấy mặn mà với các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ vì có quá nhiều cản trở. Điển hình là việc giải phóng mặt bằng, thuyết phục cư dân về phương án tái định cư và vấn đề bồi thường.
Chủ tịch Hà Nội dẫn chứng, chung cư Nguyễn Công Trứ thành phố đã bố trí khoảng 2.000 tỉ đồng từ ngân sách để thực hiện cải tạo lại, với số tiền đó có thể đầu tư một khu hoành tràng ở ngoài khu vực nội thành, nhưng nhiều người vẫn không nghe, vẫn không đi. Vì người dân thích hộ khẩu nội thành hơn, có địa chỉ ở đường Nguyễn Công Trứ vẫn hoành tráng hơn là địa chỉ ở một xã nào đấy ở huyện ngoại thành mà chẳng ai biết.
“10 khu chung cư cũ đã làm được vì những căn nhà đó thành phố phải đưa vào diện nhà sắp sập, phải cưỡng chế di dời, người dân mới chịu đi”, ông Thảo nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thảo, nếu đầu tư một khu cao tầng mới chồng lên khu cũ cũng không được, vì sẽ gây sức ép lên giao thông đô thị, người dân đi lại thế nào, rồi cảnh quan kiến trúc đô thị sẽ bị phá vỡ, mà xây thấp thì làm sao để thu hồi được vốn... đấy là một bài toán rất khó.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Dũng, Bộ Xây dựng đang soạn thảo dự thảo Nghị định cải tạo sửa chữa chung cư cũ. Theo đó, nhà nước là chủ đầu tư chứ không phải doanh nghiệp và sẽ có quy trình xây dựng, lộ trình cụ thể về việc thay đổi, di dời và chuẩn bị sẵn quỹ nhà bố trí cho dân di chuyển trong quá trình xây dựng lại. Đồng thời, đặt lộ trình để thực hiện. Nếu làm mạnh thì trong khoảng 5 - 10 năm nữa mới xong.
“Những người không di dời, sẽ không được tăng diện tích lên ở những căn hộ mới như hiện nay đang làm, để tránh tình trạng người dân cố tình ở lại thì được ưu tiên nhiều hơn người chấp nhận di dời trước, như thế là không công bằng”, ông Dũng đưa ra ý kiến.
Còn sau khi đã xử lí việc di dời xong thì sao? Theo ông Dũng, những nơi có chung cư cũ sẽ được đem đi đấu giá để làm công trình công cộng, hoặc nghiên cứu xây dựng nhà ở.
Tổng hợp
Có lẽ bạn nên đọc thêm
Chất lượng thang máy chung cư liệu có đảm bảo?
Gần đây, các sự cố đối với thang máy chung cư xảy ra với tần suất khá dày gây hoang mang dư luận. Hiện trạng này đặt một dấu chấm hỏi lớn đối với an toàn thang máy chung cư hiện nay.Nguồn nước mà chung cư bạn đang dùng có thực sự sạch?
Vừa qua trên địa bàn quận 12 (TP.HCM) đã xảy ra vụ việc ban quản lý chung cư The Parkland tự ý bơm nước giếng khoan vào bể chứa nước của chung cư để cư dân sử dụng sinh hoạt, ăn uống.Hà Nội: Đến bao giờ người dân mới hết khổ vì ô nhiễm?
Thời gian gần đây, vấn đề về ô nhiễm không khí và nguồn nước trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết. Nhiều người tự hỏi đến bao giờ họ mới hết khổ vì ô nhiễm?TP.HCM: Ô nhiễm không khí là do đâu?
Những ngày gần đây chất lượng không khí ở TP.HCM liên tục giảm sút với các chỉ số quan trắc đáng lo ngại. Vậy nguyên nhân là do đâu?
BÌNH LUẬN